Đăng Ký Học
Ngày 19/11/2021 14:59:59, lượt xem: 18154
Tuần này chuyên mục trở lại với kiến thức về chi tiết nghệ thuật. Em đã bao giờ gặp một đề hỏi về yếu tố này mà loay hoay không biết giải thích thế nào? Bài viết này hẳn là sẽ giúp em gỡ rối đấy.
1. Chi tiết nghệ thuật là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt thì chi tiết là: phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng (Ví dụ kể rành rọt từng chi tiết). Chi tiết là phần riêng rẽ hoặc đơn giản nhất của chúng có thể tháo lắp được (Ví dụ chi tiết máy).
Như vậy trong đời sống hằng ngày từ “chi tiết” được hiểu và dùng như một thành tố, một bộ phận nhỏ của một sự việc, tổng thể. Chi tiết được hiểu như là một thành phần thuộc về cấu tạo.
Trong văn học, theo cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học”, các tác giả cho chi tiết nghệ thuật là: “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”.
Sách giáo khoa ngữ văn 11- Nâng cao cho rằng chi tiết nghệ thuật “là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời cũng biểu hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng”.
Như vậy chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thi góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.
Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh của nhà văn. Đối với người đọc khi nhận biết được các chi tiết đắt giá trong tác phẩm, chúng ta có thể làm sáng tỏ được ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm và hiểu rõ ý đồ sáng tạo của nhà văn.
ĐỌC THÊM Lí luận văn học - Sự sáng tạo trong văn học
2. Đặc điểm của chi tiết trong tác phẩm tự sự
a. Tính tạo hình của chi tiết
Hình tượng nghệ thuật cụ thể, gợi cảm, sống động nhờ các chi tiết về môi trường, phong cảnh chân dung, nội thất, cử chỉ, phản ứng nội tâm, hành vi lời nói. Trong tác phẩm tự sự chi tiết có khả năng gợi ra hình ảnh về sự vật, cảnh vật, con người… đặc biệt là vai trò khắc hoạ tính cách nhân vật. Nhà văn sử dụng rất nhiều chi tiết - những nét cụ thể để miêu tả ngoại hình, nội tâm, hành động của nhân vật, cũng như cảnh vật, sự kiện có liên quan đến nhân vật đó. Đan dệt hàng loạt các chi tiết với nhau mới có được một bức tranh bằng ngôn ngữ có thể tạo nên một ấn tượng tương đối xác định về nhân vật.
Ví dụ:
- Chi tiết đồ vật tàn trong “Hai đứa trẻ” - Thạch Lam hiện ra chân thực với chiếc chõng tre, cửa hàng tạp hoá “nhỏ xíu”, gánh hàng nước của mẹ con chị Tí, manh chiếu rách, chiếc thau sắt rúm ró, cây đàn bầu cũ kĩ…góp phần làm nên bức tranh phố huyện nghèo nàn héo hắt tiêu điều mà trong đó cuộc sống của con người cứ lay lắt héo mòn từng ngày.
- Trong truyện ngắn “Chí Phèo” - Nam Cao, nhân vật Chí được hiện ra sinh động với các chi tiết về ngoại hình ngôn ngữ và nội tâm.
+ Sự tha hoá của Chí được khắc hoạ bằng những chi tiết về ngoại hình và ngôn ngữ, hành động của nhân vật.
+ Sự thức tỉnh với chi tiết miêu tả nội tâm của Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở.
Không chỉ gợi ra hình ảnh về sự vật, khắc hoạ tính cách nhân vật mà chi tiết nghệ thuật còn có vai trò cá biệt hoá nhân vật. Nhờ những chi tiết đắt giá sắc nét được tạo nên bởi tài năng của nhà văn mà các nhân vật văn học trở thành những gương mặt “quen mà lạ”, “con người này” không hề trộn lẫn mặc dù xuất hiện giữa đám đông cùng loại. Đều là những người nông dân nhưng Chí Phèo khác hẳn với Tràng. Bá Kiến cũng rất khác với Nghị Quế mặc dù đều là điển hình cho bọn cường hào ác bá.
b. Chi tiết gắn với quan niệm nghệ thuật về con người
Trong truyện cổ tích nhân vật được xây dựng theo kiểu chức năng theo hai tuyến thiện ác. Nhân vật không có tâm lí chỉ có chi tiết hành động thực hiện hai chức năng đó. Tấm với chi tiết diễn tả sự hoá thân liên tiếp (chim vàng anh, khung cửi, cây xoan đào, quả thị) thể hiện sức sống dẻo dai mãnh liệt của cái thiện. Kết lại tác phẩm với hành động Tấm dội nước sôi vào Cám là sự trừng phạt đích đáng của cái thiện với cái ác qua đó thể hiện mơ ước của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện trong cuộc đấu tranh giành và giữ hạnh phúc.
Con người văn học trung đại được quan niệm như con người siêu cá thể. Tư tưởng và hành động cũng như cách ứng xử của con người đều theo khuôn mẫu, quy ước chung bởi bị chi phối của thi pháp nặng về tính qui phạm, ước lệ và tính phi ngã. Con người được đặt trong những mối quan hệ cơ bản (tam cương), những đức tính chủ yếu trong hệ thống đạo đức của nho giáo (ngũ thường) chi phối đời sống tình cảm của con người. Khi nội tâm có sự giống nhau thì không có bí ẩn để khám phá. Do vậy lựa chọn những chi tiết thể hiện tâm lí chủ yếu bằng những chi tiết ngoại hiện như ngôn ngữ, hành động. Điều đó lí giải vì sao Kiều cứ nhất định phải bằng hành động bán mình chuộc cha mới là có hiếu. Nhân vật Vũ Nương với những chi tiết hành động và ngôn ngữ thể hiện vẻ đẹp “công dung ngôn hạnh” của người phụ nữ trung đại. Nhân vật Tử Văn khẳng khái nóng nảy, thấy chuyện bất bằng không tha cũng được khắc hoạ với các chi tiết hành động và ngôn ngữ. Đặc biệt là chi tiết Tử Văn đốt đền tà của viên Bách hộ họ Thôi.
Văn học hiện đại những năm 1930-1945: ở mỗi nhà văn có sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, họ đã đi vào khám phá đời sống cá nhân mỗi con người, trong đó mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ chứa đầy bí mật có cử chỉ, ngôn ngữ, đời sống nội tâm riêng. Nam Cao thuộc lớp nhà văn ấy, ông đã hướng ngòi bút vào khai thác thế giới nội tâm - chỗ tinh vi huyến diệu nhất của con người… Nam Cao đã miêu tả tâm lí nhân vật bằng rất nhiều thủ pháp với những chi tiết vô cùng đặc sắc. Những trang văn miêu tả sự thức tỉnh khát khao lương thiện của Chí Phèo được xem là thành công nhất kết tinh cho biệt tài phân tích tâm lí đạt đến trình độ bậc thày ở Nam Cao là nhờ những chi tiết khơi sâu vào nội tâm nhân vật.
Văn học giai đoạn 1945-1954: với quan niệm con người riêng – chung, con người nhỏ bé bất hạnh trong xã hội cũ được đổi đời trong xã hội mới. Hạnh phúc của họ tìm thấy trong hạnh phúc chung của dân tộc. Xuất phát từ quan niệm này nên số phận của nhân vật có khác so với nhân vật trong văn xuôi hiện thực phê phán 1930-1945 là do cách lựa chọn chi tiết kết thúc khác nhau. Kết thúc của “Chí Phèo” là bi kịch với chi tiết cái lò gạch cũ, còn Tràng trong “Vợ nhặt” chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng được kết chi tiết lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió.
Văn học kháng chiến 1945-1975: với quan niệm con người mang tính sử thi, tạc dáng đứng hào hùng vào lịch sử do vậy việc lựa chọn chi tiết để xây dựng nhân vật cũng khác, nhà văn chọn những chi tiết để lí tưởng hoá nhân vật, nhân vật toả ánh hào quang, họ đẹp ở mọi phương diện trong chiến đấu và trong cả đời thường. Trong truyện “Rừng xà nu”, Tnú là một nhân vật anh hùng toàn diện. Tnú anh hùng từ nhỏ, lớn lên trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung và còn là người chồng người cha giàu yêu thương. Việt, Chiến trong “Những đứa con trong gia đình” cũng đẹp ở mọi phương diện và nhà văn cũng đã lựa chọn những chi tiết tiêu biểu để khắc hoạ vẻ đẹp lí tưởng ấy.
Văn xuôi sau 1975 vận động đổi mới theo hướng dân chủ hoá và trên tinh thần nhân bản sâu sắc, văn học hướng tới hiện thực đa chiều, con người đa diện. Mọi mặt của đời sống con người được văn học quan tâm phản ánh: con người cá nhân, đời thường, con người với cả hạnh phúc và bi kịch, con người phi lí tưởng, nhân loại, tự nhiên bản năng… Do vậy việc lựa chọn chi tiết để khắc hoạ nhân vật cũng khác với văn học giai đoạn trước. Số phận của Mị trong “Vợ chồng A Phủ” có khác với người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền thuyền ngoài xa” bởi do xuất phát từ quan niệm nghệ thuật về con người có khác nhau nên cách chọn chi tiết kết thúc truyện cũng khác nhau. Mị được đổi đời trong xã hội mới với chi tiết Mị giải thoát cho A Phủ và chạy theo A Phủ tới Phiềng Sa và hai người được tham gia vào đội quân giải phóng quê hương. Người đàn bà hàng chài cuối cùng vẫn phải cam chịu chấp nhận số phận không dám rời bỏ người chồng vũ phu, chấp nhận cảnh đòn roi như cơm bữa “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” và con thuyền gia đình chị vẫn đang chao đảo trong những con bão.
Gắn với quan niệm nghệ thuật về con người do vậy chi tiết nghệ thuật có vai trò quan trọng làm nên diện mạo nhân vật văn học của từng thời. Khi phân tích nhân vật cần phải đặt nó trong típ người của từng thời kì văn học và cần phải lựa chọn những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu để thẩm bình, làm nổi bật đặc điểm của nhân vật.
ĐỌC THÊM LÍ LUẬN VĂN HỌC | THI CA VỊ NHÂN SINH
3. Vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự
a. Xây dựng cốt truyện
Cốt truyện là hệ thống các sự kiện, (biến cố) xảy ra trong đời sống của nhân vật, có tác dụng bộc lộ tính cách, số phận nhân vật và làm sáng tỏ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đối với nhà văn, việc tạo nên cốt truyện là yếu tố đầu tiên của quá trình sáng tạo. Làm nên cốt truyện là các sự kiện. Làm nên sự kiện là các chi tiết. Chi tiết nghệ thuật “đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lí” (2).
Cốt truyện “Chí Phèo” hấp dẫn, tình tiết đầy kịch tính và luôn biến hóa, càng về cuối càng gay cấn với những tình tiết quyết liệt, bất ngờ. Nam Cao là người có biệt tài tạo dựng chi tiết cho truyện của mình. Góp phần tạo nên sự thành công cho kiệt tác “Chí Phèo” phải kể đến chi tiết bát cháo hành của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Nó đã thúc đẩy cốt truyện phát triển và mở ra bước ngoặt trong cuộc đời của Chí. Sau khi ăn nằm với nhau như vợ chồng, thị Nở thương Chí bị ốm nên đã nấu cháo mang sang cho hắn. Đó là khoảnh khắc lột xác của một con quỷ để trở thành một con người. Đó là giây phút hạnh phúc duy nhất của một kẻ suốt đời bất hạnh. Bát cháo của Thị Nở đã làm tươi lại tâm hồn tưởng như đã hoàn toàn chai sạn của Chí. Bát cháo không chỉ là liều thuốc giải cảm, mà còn là liều thuốc giải độc tâm hồn. Vì đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho, xưa nay muốn có ăn hắn “phải dọa nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm người ta sợ”. Bát cháo đã cho Chí hiểu được một điều giản dị mà xúc động: Hóa ra trên đời này người ta có thể cho nhau ăn. Tình yêu mộc mạc, chân thành của Thị Nở đã đánh thức nhân tính của Chí. Hết “ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt”. Chí Phèo cảm động, rưng rưng nước mắt, có lẽ sau tiếng khóc chào đời hôm nay Chí Phèo mới biết khóc. Với Nam Cao, nước mắt chính là giọt nhân tính, chỉ có những người giàu nhân phẩm, có nhân tính mới biết khóc. Trong lòng Chí trào dâng bao cảm xúc của con người: “bâng khuâng”, “vừa vui vừa buồn và một cái gì nữa giống như là ăn năn”. Chí sám hối vì những việc mình đã làm trong hai mươi năm qua. Lần đầu tiên trong đời Chí thấy cháo hành ăn ngon đến thế. Thị Nở đã giúp anh cảm nhận được hương vị của tình yêu, tình bạn, tình mẹ. Chí thấy “lòng thành trẻ con… muốn làm nũng với thị như với mẹ”, cũng khao khát được yêu thương, chăm sóc. Và một câu hỏi rất hệ trọng đã day dứt lương tâm anh: “Hắn có thể tìm bạn được sao lại chỉ gây kẻ thù”. Thị Nở bằng một bát cháo hành đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Đó chính là khát vọng được hoàn lương. Mặc dù những giây phút hạnh phúc chỉ lóe lên rồi vụt tắt, nhưng hương vị của cháo hành mãi ám ảnh Chí, giúp anh chấm dứt những cơn mê muội dài mênh mông, sưởi ấm trái tim Chí để anh có đủ dũng cảm kết liễu kiếp sống của một con quỷ và bảo toàn thiên lương của một con người chân chính. Chỉ bằng một chi tiết nhỏ nhưng nhà văn đã dồn vào đó cả triết lý sâu sắc của mình: tình yêu có sức mạnh cảm hóa kì diệu, và con người hãy sống với nhau bằng tình yêu thương. Đồng thời, qua chi tiết này, Nam Cao cũng thể hiện niềm tin bất diệt vào bản chất tốt đẹp của người lao động, cái phần NGƯỜI trong mỗi người lao động đâu có thể tước đi một cách dễ dàng. Nếu không có chi tiết này, có lẽ “Chí Phèo” chỉ đơn thuần là câu chuyện về sự tha hóa biến chất của con người. Chi tiết bát cháo hành đã thúc đẩy cốt truyện phát triển tự nhiên, hấp dẫn và tạo nên bước ngoặt bất ngờ, làm tỏa sáng chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao.
b. Tạo nên tình huống truyện
Tình huống là một trong những thành tố cấu trúc nên truyện ngắn hiện đại. Một trong những khâu quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn là sáng tạo tình huống truyện độc đáo. Mỗi truyện ngắn thường được kết cấu xoay quanh một tình huống. Tình huống là một biến cố, một sự kiện trong đời sống được nhà văn lạ hóa để làm nổi rõ bản chất thật của con người, sự việc, qua đó, tác giả gửi gắm tư tưởng tình cảm của mình. Bởi vậy, tình huống giống như một thứ thuốc rửa ảnh làm nổi bật lên chân dung của nhân vật và tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Tình huống truyện được hình thành bởi hệ thống các chi tiết nghệ thuật có quan hệ biện chứng với nhau.
Tình huống trong truyện "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam là tình huống độc đáo, giàu chất thơ, man mác buồn, một tình huống bình dị mà sâu xa như đời sống: Cuộc sống nơi phố huyện tất cả đều tàn lụi nhưng có một thứ không tàn: đó là khát vọng được đổi thay, được sống khác của những cư dân tội nghiệp sống trong phố huyện nghèo. Tuy phải sống một cuộc sống nghèo khổ, tối tăm, lay lắt, nhưng đêm nào họ cũng cố thức chờ chuyến tàu từ Hà Nội về, để gửi gắm mơ ước về một cuộc sống tươi sáng hơn. Tình huống truyện này đã được tạo nên từ những chi tiết về thời gian tàn, không gian tàn, những kiếp đời tàn, những đồ vật tàn…. Thời gian tàn từ chiều tà đi dần vào đêm khuya. Chỉ cần qua một buổi chiều, một lát cắt của thời gian, ta có thể cảm nhận mọi buổi chiều trong nhịp sống của phố huyện. "Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru...". m điệu câu văn mở đầu chậm rãi, như ngân như ru lòng người vào một nỗi niềm bâng khuâng, mơ hồ, man mác. Câu văn được cất lên qua giọng điệu của Liên, hòa cùng sự ngậm ngùi của tác giả. Đó là một tiếng kêu thảng thốt, một tiếng thở dài não nuột của một tâm hồn già nua trước tuổi. Thế là một buổi chiều nữa của đời Liên lại về. Đó là khoảnh khắc Liên phải đối mặt và cảm nhận được sâu sắc nhất sự nghèo nàn, ảm đạm của phố huyện. Và để cho không khí tàn lụi đọng thành một ấn tượng đậm nét, nhà văn đã chọn không gian tàn với âm thanh, cảnh vật, màu sắc đều tàn lụi. Trong bức tranh khung cảnh, gợi cảm nhất là chi tiết: "Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn", cảnh vật như đang lóe sáng lên lần cuối cùng trước khi tàn úa. Hình ảnh mặt trời đỏ ối sắp tắt là biểu tượng của một ngày tàn, là khoảnh khắc hấp hối của vũ trụ, hay là của chính miền quê này? Về màu sắc, gam màu đen bao trùm cả không gian. Bóng tối là một chi tiết nghệ thuật đầy ám ảnh đè nặng lên cảnh vật và con người. Không dưới ba mươi lần hình ảnh bóng tối xuất hiện, như một cái gì hãi hùng đang xâm lấn, luồn lách vào mọi cảnh vật, bủa vây mọi con người. Nó tạo nên không gian đen đặc cho bức tranh phố huyện. Bóng tối trở thành nỗi ám ảnh về một cuộc sống tối tăm, bế tắc, ngao ngán. Đối lập với bóng tối là những chi tiết về ánh sáng. Ánh sáng được miêu tả rất khe khắt, hiếm hoi và đơn độc, chỉ là những khe sáng, hột sáng, quầng sáng, vệt sáng, chấm lửa,... không đủ để soi sáng không gian, mà còn tô đậm thêm bóng đêm đậm đặc, mênh mông của phố huyện. Nếu như ánh sáng, âm thanh là biểu tượng của sự sống, thì bóng tối, sự tịch mịch là biểu tượng của hư vô, của cái chết. Cuộc sống hiện tại của chị em Liên là phố huyện ngập chìm trong đêm tối, nghĩa là sự sống đang hụt hơi, hấp hối như một miền đời quên lãng, một vùng đất chết, thiếu vắng sự sống.
Bức tranh phố huyện càng buồn hơn khi nhà văn góp vào cái giờ khắc của ngày tàn một phiên chợ vãn, với những chi tiết tưởng như vu vơ nhưng lại chứa đầy dụng ý của nhà văn. Trên đất chỉ còn lại những rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía. Ảm đạm nhất là chi tiết: “Một mùi âm ẩm bốc lên”, đó là mùi của sự tàn rữa. Trung tâm của bức tranh phố huyện là những mảnh đời nhỏ bé, âm thầm trong cuộc sống tối tăm, quẩn quanh, bế tắc. Những kiếp đời ấy làm nên gương mặt âm u của phố huyện. Làm nên cuộc sống của họ là những đồ vật tàn: một ngôi quán ọp ẹp, vách dán giấy nhật trình, một cái chõng tre sắp gãy, một manh chiếu rách, chiếc chậu sắt rúm ró,… Qua bức tranh phố huyện trong cảnh ngày tàn, với thời gian tàn, không gian tàn, kiếp người tàn lụi, tác giả thể hiện tiếng nói xót thương cho những kiếp người bé nhỏ, sống cuộc sống vô danh, vô nghĩa, quẩn quanh. Bao trùm lên bức tranh phố huyện là một vẻ tàn lụi, tăm tối, sự sống dường như đang từng ngày lìa bỏ nơi này. Nhưng có một thứ không tàn, đó là niềm hy vọng của con người về một tương lai tươi sáng hơn: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Và khao khát vượt ra khỏi cuộc sống mòn mỏi ấy được thể hiện rất rõ qua tâm trạng đợi tàu của hai đứa trẻ.
Thạch Lam tập trung bút lực miêu tả một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng đoàn tàu theo trình tự thời gian, qua tâm trạng chờ trông của Liên và An. Chúng ta không thể bỏ qua được những chi tiết về đoàn tàu như: ánh sáng rực rỡ, lấp lánh chốn thị thành, át đi ánh sáng mờ ảo, yếu ớt của phố huyện. m thanh náo nhiệt, tưng bừng đối lập với những thanh âm buồn tẻ, đơn điệu của phố huyện. Đoàn tàu đã mang đến một thế giới khác lạ, nó khuấy động không gian phố huyện, làm cho con người nơi đây trong chốc lát quên đi hiện thực tăm tối, để sống với ước mơ. Thạch Lam đã nhìn thấy trong hành động đợi tàu của hai đứa trẻ chứa đựng một khao khát không phải của riêng hai đứa trẻ và không phải của một thời, mà của mọi thời. Đó là khát khao đổi đời, cần phải thay đổi thế giới tăm tối này đi, đem đến một thế giới khác, ở đó ai cũng có quyền được sống trong hy vọng, chứ không phải là tàn đi trong vô vọng.
Như vậy, mọi chi tiết trong tác phẩm đều hội tụ, xoay xung quanh tình huống truyện và góp phần thể hiện tư tưởng nghệ thuật của tác giả.
ĐỌC THÊM HƯỚNG DẪN ĐƯA LÍ LUẬN VĂN HỌC VÀO BÀI VIẾT
c. Vai trò của chi tiết trong xây dựng hình tượng nhân vật
Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tác phẩm tự sự, là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực, và “gửi gắm tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình về cuộc đời”. Nhân vật là “con đẻ tinh thần của nhà văn”. Hình tượng nhân vật trở nên sinh động, gợi cảm là nhờ các chi tiết. “Chi tiết (…) cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng (...). Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị, vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng.”. Mỗi nhân vật là một sinh thể toàn vẹn được tạo nên bởi các chi tiết có quan hệ máu thịt với nhau: các chi tiết về ngoại hình (Chí Phèo: khuôn mặt, đầu, răng, mắt, quần áo, …); các chi tiết về hành động (Chẳng hạn với Chí Phèo là những hành động: chửi, say, ăn vạ, đến với Thị Nở, đòi lương thiện, giết Bá Kiến, tự sát.); các chi tiết về nội tâm (tâm trạng của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở, …); các chi tiết về ngôn ngữ (Chí Phèo: tiếng chửi, những lời nói tỏ tình với Thị Nở, tiếng nói đòi lương thiện,…); các chi tiết về mối quan hệ giữa các nhân vật và giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh, các mối quan hệ này bộc lộ địa vị, tính cách, và số phận của nhân vật (Chí Phèo: quan hệ với Bá Kiến, thị Nở, với hoàn cảnh xã hội của làng Vũ Đại,…)
Đọc truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, tôi đặc biệt ấn tượng với nhân vật người “Vợ nhặt” mà tác giả đã dồn bao tinh hoa và tinh huyết để xây dựng nên. Thị là nạn nhân khốn khổ nhất của nạn đói. Thân phận bất hạnh đó được gợi lên từ một loạt những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Chi tiết về tên gọi, người đàn bà này, thậm chí đến cái tên riêng cũng không có, nhà văn gọi thị là "thị" hoặc "người đàn bà". Đằng sau cuộc đời của chị, còn thấp thoáng bóng dáng của bao người phụ nữ khốn cùng khác. Thương cảm hơn là những chi tiết về ngoại hình. Cái đói đã tàn phá dung nhan của thị, có mấy ngày không gặp mà Tràng thấy thị gầy guộc “trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt”, xấu xí, rách rưới “quần áo tả tơi như tổ đỉa”. Nạn đói giống như một cơn lũ lớn cuốn phăng đi tất cả, không chỉ đe dọa cướp đi cuộc sống về mặt sinh học, mà nó còn làm cho tính cách của thị cũng thay đổi. Cái nữ tính, tính người, nhân phẩm của thị cũng có nguy cơ bị mai một. Biết bao trăn trở, xót xa của nhà văn được dồn tụ trong những chi tiết miêu tả về lời nói và hành động của thị lúc này. Thị trở nên trơ tráo, ăn nói "chao chát, chỏng lỏn", mất hết ý tứ và lòng tự trọng. Tiếng nói khẩn thiết nhất của cô vợ nhặt lúc này là phải duy trì được sự sống. Cô như người sắp chết đuối đang nguy khốn giữa dòng nước xoáy khủng khiếp, cô đang cố gắng túm lấy bất cứ cái gì có thể bấu víu để tồn tại. Câu hò trở thành cái cớ để thị bám vào Tràng. Rồi “thị cong cớn … Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”. Thị không còn biết xấu hổ khi trách móc một người không quen biết: “Thị sầm sập chạy đến… sưng sỉa nói… Điêu… Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống thế mà mất mặt”. Rồi thị còn trắng trợn “gạ ăn”: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Khi Tràng tỏ ra ga lăng “đấy muốn ăn gì thì ăn”, thì lập tức “hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên…. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Cái đói đã làm cho con người trở nên thảm hại, đáng thương và cũng đáng được cảm thông, chia sẻ. Nhưng điều đáng quý đã làm nên chất thơ cho hiên thực đắng cay này đó là, sau khi nguy cơ chết đói đã qua, cô gái đã trở lại với con người thật của mình, và nữ tính cũng hồi sinh, cô chợt e lệ và xấu hổ. Chi tiết cô ăn xong thị “cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở : hà, ngon !” là chi tiết thể hiện nữ tính của người vợ nhặt. Đó là cách cô gái đánh trống lảng vì ngượng và che giấu sự xấu hổ bên trong. Đặc biệt trên đường về nhà chồng người vợ nhặt đã thay đổi hẳn, trở thành một cô dâu rất đáng yêu, không còn chao chát, chỏng lỏn nữa. Điều đó được thể hiện rõ nét qua những chi tiết về dáng vẻ, lời nói của thị: vì xấu hổ nên nói chuyện trống không với chồng; bước chân “rón rén”, “e thẹn”, “ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia”, “đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt”, đúng là dáng vẻ của một cô dâu đầy nữ tính. Tấm lòng nhân đạo của Kim Lân thể hiện qua cách ông đã miêu tả rất tỉ mỉ, chi tiết dáng vẻ của người đàn bà trên đường về nhà chồng, từ dáng đi e thẹn cho đến nỗi hờn tủi cho thân phận mình. Ở đây nhà văn đã rất kiên nhẫn lặp đi lặp lại những từ đồng nghĩa. Dường như ông cố minh oan, để trả lại cho người đàn bà khốn khổ bản chất dịu hiền vốn có. Khi về đến nhà, thị “ngượng nghịu”, “ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”. Sáng hôm sau, thị dậy sớm quét tước nhà cửa. Người đàn bà đã thực sự trở thành một người vợ "hiền hâụ đúng mực", đảm đang, tảo tần, chịu khó. "Thị" đã đem đến cho ngôi nhà của Tràng một sinh khí mới, một nhịp sống mới. Trong bữa cơm đầu tiên, thị đã “điềm nhiên và vào miệng miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”. Đây là chi tiết thể hiện sự ý tứ và thái độ đồng cảm, sẻ chia với gia đình nhà chồng của người vợ nhặt. Thông qua một loạt các chi tiết biết nói, nhà văn muốn nhắn gửi tới chúng ta một điều: Hóa ra chính cái đói đã đẻ ra sự liều lĩnh, táo bạo, thô thiển, trắng trợn, nhưng không thể làm mất đi bản chất hiền hậu, tốt đẹp trong tâm hồn con người. Người vợ nhặt vốn là một cô gái nghèo, có tư cách, có khao khát hạnh phúc. Nạn đói đã làm mất đi phần nào tư cách ấy, biến dạng một phần tâm hồn cô, nhưng cuối cùng cô vẫn vươn lên giữ vững tư cách người. Dù bị đẩy đến đường cùng, "thị" vẫn khao khát sống, khao khát hạnh phúc. Hành động theo Tràng về làm vợ của người đàn bà, chứng tỏ "thị" luôn tìm mọi cách để vượt lên cái đói, tìm đến sự sống, kể cả phải hành động liều lĩnh. Nhà văn đã mở ra con đường sống cho những kiếp đời khổ cực. Nhân vật vợ Tràng đã thể hiện niềm tin bền vững của Kim Lân vào bản chất tốt đẹp của người lao động.
Như vậy, khi phân tích một nhân vật, chúng ta phải tuân thủ tính hệ thống của các chi tiết nghệ thuật làm nên hình tượng đó. Nhưng mặt khác, chúng ta cần xoáy sâu vào những chi tiết độc đáo, là điểm sáng mà nhà văn đã rất dụng công khi xây dựng hình tượng.
d. Chi tiết nghệ thuật góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm, tư tưởng nghệ thuật của tác giả
M. Gorki đã nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Điều đó thật đúng với tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Trong mỗi chi tiết mà ông sáng tạo nên đều dồn tụ biết bao ý nghĩa. Để làm nổi bật sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối, của cái cao thượng đối với cái thấp hèn, của cái đẹp với cái xấu xa, nhà văn đã xây dựng một loạt những chi tiết về một Huấn Cao luôn hiên ngang, bất khuất, ngẩng cao đầu trước quyền lực của nhà tù: hành động rỗ gông, thản nhiên nhận rượu thịt, câu nói khinh miệt đến điều với quản ngục, bình thản trước tin báo mình sắp sửa bị hành hình... Đặc biệt, khi miêu tả tư thế Huấn Cao cho chữ viên quản ngục, Nguyễn Tuân rất tài tình khi ông dùng từ "vướng xiếng" thay từ "bị xiềng". Cách viết ấy đã gợi lên hình ảnh người tù hiên ngang, khẳng khái, bị trói buộc, giam cầm về thân thể nhưng luôn tự do về tinh thần. Gông xiềng chỉ là một cái gì vướng víu dưới chân. Còn tâm hồn người tù đang say sưa với mùi thơm của mực, ngây ngất trước màu trắng tinh khiết của tấm lụa bạch. Huấn Cao hiện lên như một nghệ sĩ đang say mê sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo những con chữ nói lên hoài bão tung hoành của cả một đời người. Giây phút cuối cùng của cuộc đời tử tù không than thân trách phận. Trong khoảnh khắc thiêng liêng nhất, Huấn Cao vẫn dành trọn cho cái đẹp. Việc Huấn Cao cho chữ quản ngục, không phải là hành động của người sắp bị tử hình đem những thứ quý giá nhất của đời mình trao cho người khác, càng không phải là cơ hội cuối cùng để Huấn Cao trổ hết tài hoa. Mà lí do sâu xa như Huấn Cao đã nói: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người… Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Như vậy, việc Huấn Cao cho chữ Quản ngục thực chất là lấy lòng để tạ lòng, là tình cảm của kẻ tri âm dành cho người tri kỉ. Trong khoảnh khắc này, cái tài và cái tâm của Huấn Cao cùng thăng hoa để cho cái đẹp vút bay.
Bên cạnh những chi tiết miêu tả phong thái của Huấn Cao khi cho chữ, chủ đề của tác phẩm còn thấm đẫm trong những chi tiết tưởng như rất nhỏ bé như chi tiết hương thơm của chậu mực, chi tiết tấm lụa trắng...“Thoi mựa thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm từ chậu mực bốc lên không?...”. Câu hỏi của Huấn Cao như muốn lay thức tâm hồn trong sạch của quản ngục trỗi dậy. Hương thơm của mực hay chính là hương vị của tình người, hương vị của sự cộng cảm giữa những tâm hồn đồng điệu. Dấu (…) tạo nên khoảng lặng để tâm hồn con người được thăng hoa, ngây ngất thưởng thức cái đẹp. Chi tiết tấm lụa trắng xuất hiện bốn lần trong một đoạn văn ngắn mà bóng tối của nhà tù không thể xóa nhòa (tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ, tấm lụa trắng tinh, phiến lụa óng, bức lụa trắng). Hình ảnh tấm lụa trở đi trở lại gợi lên sự trong trẻo, thanh sạch trong tâm hồn con người mà hoàn cảnh tăm tối không thể làm hoen ố. Như vậy, ngục tù không thể tiêu diệt được cái đẹp. Đó không chỉ là cái đẹp định hình trong con chữ, mà còn là cái đẹp thoát bay từ tâm hồn, từ thiên lương trong sáng. Huấn Cao – người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp tuy sắp lìa đời, nhưng cái chết của ông có ý nghĩa tái sinh sự sống và làm hồi sinh thiên lương của quản ngục.
Dường như, Nguyễn Tuân đã dồn nén bao tư tưởng trong chi tiết lời giáo huấn của người tù: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của một đời con người”. Lời giáo huấn không cứng nhắc, giáo điều mà thấm thía. Nó cất lên khoan thai, thư thái, đĩnh đạc. Đó là những lời gan ruột của bạn tri âm dành cho người tri kỉ. Câu nói ấy vừa gói ghém được nhân cách của Huấn Cao vừa thể hiện được quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp: Cái đẹp không thể sống chung với cái xấu, cái ác, cái bạo tàn. Sự trong lành của thiên lương không thể đồng hành với sự đê tiện. Huấn Cao nhấn mạnh lại: “Thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.” Qua những lời gan ruột này, nhà văn muốn nêu lên một yêu cầu đối với người thưởng thức nghệ thuật: Phải sống trong sạch, sống lương thiện mới có thể đến với nghệ thuật, đến với cái đẹp. Trước khi là một nghệ sĩ phải là một con người chân chính, có nhân cách cao đẹp. Lời răn dạy của Huấn Cao có sức mạnh cảm hóa kì diệu. Bởi tiếng nói của trái tim sẽ đến với trái tim. Ngục quan cảm động, trào dâng những giọt nước mắt nóng hổi tình người, nghẹn ngào nói: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Đây không chỉ là sự thuần phục của lí trí, mà còn là sự yêu mến của trái tim. Cái cúi đầu của quản ngục đã dạy chúng ta rằng: muốn nên người phải biết kính sợ ba điều: cái tài, cái đẹp, cái thiên tính tốt đẹp của con người. Như vậy: Cái đẹp có sức mạnh cảm hóa, có thiên chức hướng thiện. “Cái đẹp cứu nhân thế”. Sự trở về không bao giờ là muộn, và sự trở về của quản ngục đã chứng tỏ chiến thắng cuối cùng của cái đẹp. Trong trật tự của xã hội phong kiến đó là cái đẹp “nổi loạn”. Qua chi tiết này, Nguyễn Tuân muốn khẳng định rằng: Trên cõi đời này không chỉ có quyền lực của nhà tù, mà còn có quyền uy của cái đẹp – Cái đẹp của nhân cách, của tài hoa, của khí phách và thiên lương con người.
Như vậy chính những chi tiết có dung lượng lớn về ý nghĩa đã tạo cho tác phẩm “những chiều sâu chưa nói hết”. Cái tài của người viết truyện ngắn là phải tạo được những chi tiết đắt giá để kí thác những tâm niệm của mình đối với cuộc đời và con người.
Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!
Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ
Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4
Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4
Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan